Xuất khẩu thép xây dựng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm sút do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ (mùa mưa) cộng thêm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua lượng hàng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Xuất khẩu thép xây dựng trở thành điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của ngành thép Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) xuất khẩu thép xây dựng trong 7 tháng đầu năm tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 20% trong cơ cấu thị trường tiêu thụ sản phẩm này.
Điều này dẫn đến tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao và việc cạnh tranh để lấy thị phần trở nên khốc liệt hơn. Do đó, các nhà máy sản xuất chuyển hướng đẩy mạnh việc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đà giảm giá thép xây dựng có vẻ đang yếu dần nhờ các thông tin tích cực đến từ thị trường Trung Quốc khi nước này đang dần mở cửa trở lại, đồng thời chính phủ cũng có những biện pháp kích thích phát triển thị trường bất động sản.
Với tỷ lệ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương khiến các chuyên gia lo ngại nền kinh tế sẽ bị đẩy vào suy thoái, do đó nhu cầu sẽ giảm đối với tất cả các mặt hàng, không chỉ riêng thép. Do đó, việc xuất khẩu thép xây dựng tăng mạnh được xem là “điểm tựa” tâm lý cho thị trường. Hiện, thép xây dựng chiếm khoảng 41% trong cơ cấu bán hàng các sản phẩm thép của Việt Nam.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm 2022 sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN 5 sẽ củng cố sự phục hồi của nhu cầu thép xây dựng của khu vực này, với mức tăng 4,8% trong năm 2022 và 6,1% trong năm 2023, cao hơn các mức tăng tương ứng của nhu cầu thép thế giới là 0,4% năm 2022 và 2,2% năm 2023.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định thị trường thép xây dựng thế giới đã xuất hiện những tín hiệu áp lực dư cung giảm bớt. Giá tại Trung Quốc đã phục hồi 10% so với mức đáy.
Trong khi đó, giá nguyên liệu thô như than cốc và quặng sắt đã giảm lần lượt 60% và 40% so với mức đỉnh trong quý 2. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn vẫn bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho chi phí cao, nhưng chi phí đầu vào giảm có thể giúp ổn định tỷ suất lợi nhuận của một số công ty trong quý IV.
Giá thép và quặng sắt đồng loạt tăng mạnh
Giá thép hôm nay 7/9 ghi nhận giá thép thế giới tiếp tục tăng lên mức 3.677 Nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt cũng tăng 3%.
Cụ thể, giá thép hôm nay giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên mức 3.677 nhân dân tệ/tấn. Giá quặng 63,5% Fe giao tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 7/9 tăng hơn 3% so với cuối tuần trước và giao dịch ở 101 USD/tấn, đảo chiều sau khi liên tục giảm từ ngày 25/8. Tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn đang sát mức thấp nhất gần 10 tháng.
Giá quặng giao tháng 1 trên sàn Đại Liên, Trung Quốc là 100 USD/tấn, tăng 4% so với cuối tuần trước. Giá mặt hàng này từng mất mốc 100 USD/tấn và xuống thấp nhất 5 tuần vì các biện pháp phong tỏa, phòng chống Covid-19 khiến nhu cầu đi xuống.
Giá một số kim loại màu cũng tăng. Nickel là 176.116 nhân dân tệ/tấn (25.397 USD/tấn), tăng 5,7% so với cuối tuần trước. Giá nhôm là 18.436 nhân dân tệ/tấn (2.658 USD/tấn), tăng 1,6%. Bạc là 4.178 nhân dân tệ/tấn (602 USD/tấn), tăng 0,8%.
Thép trong nước giữ giá sau phiên tăng mạnh 810.000 tấn ngày 31/8.
Giá thép trong nước ngày 7/9 vẫn đà đi ngang với phiên tăng cao nhất 810.000 đ/tấn tình từ mốc bật tăng trở lại ngày 31/8, chấm dứt gần 4 tháng với 15 phiên giảm liên tiếp.
Như vậy, sau 15 phiên giảm liên tiếp từ 11/5, thép trong nước đã đồng loạt đổi chiều tăng sốc, tăng cao nhất lên tới 810.000 đồng/tấn.