Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc, Đại học Đông Bắc Thẩm Dương, Phòng thí nghiệm Khoa học Vật liệu Quốc gia Thẩm Dương và Nhà máy Thép chuyên dụng Jiangyin Xingcheng ở miền đông Trung Quốc cùng Viện Nghiên cứu kim loại Max Planck của Đức vừa công bố phát minh của họ trên tạp chí Science.
Nghiên cứu phát triển thành công một loại thép siêu cứng, có khả năng kéo giãn, tăng khả năng ứng dụng trong đời sống con người.
Theo nhóm đề tài, loại thép mới này siêu cứng, siêu bền nhưng lại co giãn. Một mẩu nhỏ bằng móng tay có thể chịu được tải lượng của một chiếc ô tô nặng 2 tấn mà không gãy, có thể kéo dài thêm 18% đến 25%. Do đặc tính co giãn nên loại thép mới này có thể tạo thành nhiều dạng phức tạp và hấp thụ năng lượng cao từ tác động va chạm bên ngoài.
Với việc ra đời sản phẩm mới nói trên, các nhà khoa học đã giải quyết nhiều thách thức liên quan đến kim loại, vừa cứng lại dễ uốn nên có dải ứng dụng rộng.
Li Yunjie, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm cán và tự động hóa thuộc Đại học Đông Bắc, cho biết, các nhà khoa học đã rèn vật liệu hợp kim thô nung ở 1.200 độ C, sau đó để nguội. Khi cấu trúc đặc biệt hình thành, nitơ lỏng có nhiệt độ -196 độ C được sử dụng để làm nguội vật liệu triệt để, trước khi xử lý ở ngưỡng 300 độ C để tăng độ ổn định.
Quá trình đơn giản hơn so với sản xuất thép độ siêu bền vốn thường được cán để tạo ra những tấm mỏng. Kết quả, thép có độ bền 2 gigapascal, tức ngưỡng độ bền kéo cao nhất của thép. Ngoài ra, phương pháp này giúp chi phí sản xuất 1 tấn thép giảm khoảng 75 USD và cắt giảm lượng khí thải carbon ở mức tương đương hơn 100kg than đá trên mỗi tấn thép.
(Nguồn Soha)