Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 6/10 giao dịch ở mức 95,45-95,95 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 2,3 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 9. Mức giá này giảm khoảng 114-116 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi tháng 5/2021, tương đương 210 – 212 USD/tấn.
Giá than mỡ luyện cốc (hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 6/10 giao dịch ở mức khoảng 255,5 USD/tấn FOB, giảm hơn 50% so với mức 520 USD hồi tháng 4.
Tương tự, giá điện cực than chì (GE) tại Trung Quốc giảm trong tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh tình hình kinh tế nước này xấu đi và nhu cầu yếu.
Trong khi giá của nhiều nguyên liệu đi xuống thì giá thép phế lại diễn biến trái chiều, giá HRC tăng nhẹ. Theo đó, giá thép phế liệu loại HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ngày 6/10 cũng giảm 35 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9, xuống 405 USD/tấn CFR. Trong khi, giá thép phế nội địa lại tăng 400 – 700 đồng/kg, lên 9.300 - 10.200 đồng/kg.
Còn giá thép cán nóng (HRC) ngày 6/10 ở mức 569 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng nhẹ 3 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 9. Thị trường thép HRC thế giới biến động khiến các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) gặp khó khăn.
VSA nhận định giá nguyên vật liệu sản xuất thép liên tục đi xuống từ đầu quý II đến nay, mức giảm lên tới 50% so với quý I, khiến các doanh nghiệp thép chịu ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.
Cùng với giá nguyên liệu giảm, nhu cầu sử dụng thép trong nước vẫn yếu, xuất khẩu cũng giảm nhiều do cạnh tranh về giá khiến sản lượng bán hàng tháng 9 bị giảm sút so với tháng 8, giá thép cũng lao dốc.
Kể từ tháng 5 đến tháng 9, giá thép xây dựng trong nước đã điều chỉnh giảm 15-16 lần, với tổng mức giảm khoảng 3,7-3,9 triệu đồng/tấn tuỳ thuộc từng doanh nghiệp và chủng loại.
"Hiện, các nhà máy đều gặp khó khăn do tồn kho ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Các nhà thương mại giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm", VSA cho biết.