Với lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn do cơn khủng hoảng bất động sản, trong khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu có khả năng rơi vào suy thoái trong 2023, Ấn Độ đang nổi lên như một “vị cứu tinh” cho nhu cầu thép toàn cầu.
Chuẩn bị vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới, Ấn Độ đang ở trong thời kỳ bùng nổ xây dựng. Thủ tướng Narendra Modi đang thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa đường sá, mạng lưới đường sắt và cảng biển nhằm cạnh tranh với Trung Quốc với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu.
Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), cơn bùng nổ xây dựng sẽ giúp nhu cầu thép Ấn Độ tăng 6,7%, lên khoảng 120 triệu tấn vào năm 2023. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhu cầu thép cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. Cách đây 2 năm, Ấn Độ đã vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ thép số 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Jayant Acharya, Phó giám đốc điều hành của JSW Steel Ltd., nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ, nói: “Giai đoạn xây dựng quốc gia của bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần rất nhiều thép và hàng hóa”.
Ông cho biết Ấn Độ đang trải qua giai đoạn đó trong thập niên này. Ông dự báo cơn bùng nổ xây dựng sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ thép của nước này lên mức hơn 200 triệu tấn vào năm 2030.
Triển vọng lạc quan đó đã khuyến khích ngành thép Ấn Độ mở rộng công suất. ArcelorMittal Nippon Steel India Ltd., liên doanh giữa nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới ArcelorMittal (Luxemburg) và hãng thép Nippon Steel (Nhật Bản) ở Ấn Độ, đã có kế hoạch tăng gấp ba công suất, lên mức 30 triệu tấn trong thập niên tới. Posco Holdings, nhà sản xuất thép của Hàn Quốc và tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani, người giàu nhất châu Á, cũng đang tìm cách thành lập các nhà máy thép ở nước này.
Ấn Độ sản xuất phần lớn lượng thép mà nước này sử dụng, nhưng cũng cần phải nhập khẩu thép nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10, các lô hàng thép nhập khẩu đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 3,1 triệu tấn.
Song các nhà sản xuất thép ở Ấn Độ đang lo lắng về làn sóng nhập khẩu thép giá rẻ khi nhu cầu thép ở các nước sản xuất thép lớn khác đang suy yếu. Thép của Trung Quốc chiếm hơn một phần tư lượng thép nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 10, trong khi một số lô hàng thép của Nga cũng đang tìm đường đến Ấn Độ.
A.K. Hazra, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thép Ấn Độ (ISA), cho rằng có một số loại thép nhập khẩu kém chất lượng và đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét vấn đề này. Ông nói: “Chúng tôi chỉ yêu cầu thép nhập khẩu phải có giá cạnh tranh và phù hợp với giá quốc tế, đồng thời chất lượng phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Ấn Độ”.
Bất chấp nhu cầu thép tăng trưởng mạnh mẽ, Ấn Độ vẫn kém xa Trung Quốc về tổng lượng thép tiêu thụ. Theo dự báo của WSA, nhu cầu thép của Ấn Độ trong năm tới sẽ ít hơn 1/7 so với tổng lượng thép tiêu thụ 914 triệu tấn của Trung Quốc.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 935,1 triệu tấn thép thô, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong cùng kỳ, Ấn Độ sản xuất 114,2 triệu tấn thép thô, tăng 6% so với 10 tháng đầu năm 2021.
Việc Ấn Độ có thể thu hẹp khoảng cách nhanh chóng với Trung Quốc như thế nào sẽ phụ thuộc vào sự thành công của việc triển khai các dự án xây dựng hạ tầng của Thủ tướng Modi. Bộ Tài chính Ấn Độ ước tính Ấn Độ cần 1.400 tỉ đô la Mỹ tài trợ cho các dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia dự kiến triển khai cho đến năm 2025.
Jayanta Roy, Phó chủ tịch cấp cao của ICRA Ltd., chi nhánh tại Ấn Độ của hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody’s Investors (Mỹ), cho biết các vấn đề về bất động sản của Trung Quốc và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu thép của nước này bị kìm hãm trong năm tới.
Ông nhận định, trong dài hạn, nỗ lực thu hẹp khoảng cách tiêu thụ thép của Ấn Độ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thuộc vào sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và chính sách của chính phủ về mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc.
WSA dự báo trong năm 2023, việc triển khai các dự án hạ tầng và “sự phục hồi nhẹ” trên thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể ngăn chặn nhu cầu thép của Trung Quốc thu hẹp hơn nữa.
Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm và điều này sẽ gây áp lực cho nhu cầu thép của Trung Quốc.
Theo WSA, trong năm 2022, nhu cầu thép toàn cầu suy giảm lần đầu tiên sau 7 năm ở mức 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ vẫn ở mức yếu, chỉ 1% trong năm 2023. WSA là tổ chức đại diện cho 64 nước, chiếm khoảng 95% tổng công suất thép toàn cầu.
(Nguồn coppy)